Ảnh minh họa: LarkKhông có gì ngạc nhiên khi các loại ngũ cốc và đường tinh chế gây ra nhiều tác dụng tiêu cực cho sức khỏe. Hai thành phần này làm thay đổi lượng glucose trong máu, tăng cảm giác thèm ăn và thậm chí ảnh hưởng đến làn da của bạn. Cả hai đều có thể thúc đẩy mụn trứng cá xuất hiện.
Ngũ cốc tinh chế có trong bánh mì, bánh quy giòn, mì ống làm từ bột mì trắng. Đường tinh luyện có trong nhiều món tráng miệng, như bánh ngọt, kẹo, đồ uống có đường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, lượng carbohydrate cao hơn ở các loại thực phẩm như ngũ cốc và đường tinh chế có liên quan đến tỷ lệ nổi mụn trứng cá. Trên thực tế, những người ăn càng nhiều đường, nguy cơ nổi mụn càng cao.
Ngoài ra, carbs tinh chế làm tăng đột biến lượng đường trong máu, dẫn tới tăng mức insulin, hormone thúc đẩy sản xuất bã nhờn, gây ra mụn.
Để giảm mụn, hãy hạn chế ngũ cốc và đường tinh chế. Thay vào đó, tập trung vào các loại carbohydrate giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và rau.
Các sản phẩm từ sữa
Sữa ảnh hưởng đến làn da của mỗi người theo cách khác nhau. Một số người loại bỏ sữa khỏi chế độ ăn uống và cho rằng làn da của họ sáng lên. Những người khác không bị mụn khi hạn chế sữa bò nhưng tiếp tục ăn sữa chua và phô mai.
Ngoài ra, có nhiều loại sữa khác nhau về hàm lượng carbohydrate, protein, chất béo và chất dinh dưỡng.
Viện Da liễu Mỹ nhận định: “Sữa bò có thể làm tăng mụn trứng cá do một số hormone trong sữa gây viêm bên trong cơ thể. Tình trạng viêm này làm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó sinh ra mụn. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm”.
Một phân tích tổng hợp trên 78.500 trẻ em và thanh niên cho thấy việc tiêu thụ sữa làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá so với những người không ăn sữa. Nhưng nhiều người đã tự báo cáo kết quả của họ, điều này có khả năng dẫn đến sự sai lệch.
Sữa mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như cung cấp protein, canxi và vitamin D. Tuy nhiên, nếu sữa động vật ảnh hưởng tiêu cực đến làn da, bạn có thể chuyển sang các loại sữa nguồn gốc thực vật từ hạnh nhân, hạt điều, yến mạch.
Thịt nhiều chất béo
Đồ ăn Tây bao gồm nhiều món thịt giàu chất béo, góp phần gây ra bệnh tim, béo phì, ung thư và nổi mụn. Nghiên cứu ghi nhận ăn thịt béo có thể làm tăng hormone kích thích sản xuất nhiều nang bã nhờn hơn, gây tắc lỗ chân lông và sinh ra mụn.
Mặc dù mụn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn là một mối lo ngại, đặc biệt ảnh hưởng tới sự tự tin của mỗi người. Bạn nên cắt giảm lượng thịt béo ăn mỗi ngày bằng cách ăn thịt nạc hoặc bổ sung protein từ thực vật.
Phần thịt nạc bao gồm ức gà không xương, không da, cá hồi, thịt lợn thăn. Protein từ thực vật bao gồm các loại đậu, đậu phụ, các loại hạt.
Thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh không phải là thực phẩm tối ưu cho sức khỏe. Hiện nay, ngày càng có nhiều phân tích chỉ ra đây là một yếu tố góp phần làm tăng mụn. Cụ thể, các món chiên rán như khoai tây chiên trong nhiều dầu có thể gây ra chứng viêm gắn liền với các vết thâm trên da.
Khảo sát ghi nhận mối tương quan chặt chẽ giữa nhóm người trẻ tuổi thường xuyên dùng thức ăn nhanh và khả năng bị mụn trứng cá tăng 17% so với những người khác.
Thức ăn nhanh có thể làm thay đổi mức độ hormone, thúc đẩy mụn trứng cá.
Giống như tất cả mọi thứ trong cuộc sống, điều độ là chìa khóa. Tần suất và lượng là vấn đề quan trọng đối với thức ăn nhanh. Không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn một loại thực phẩm, trừ khi bạn bị dị ứng. Thay vào đó, hãy để ý xem bạn ăn thức ăn nhanh bao nhiêu lần và gọi món nào.
Cà phê có kem, đường
Bạn không cần phải từ bỏ cà phê - chúng ta đang nói về cà phê có đường chứa nhiều calo. Đó là loại đồ uống có hương vị thơm ngon, nhưng không mang lại lợi ích gì cho làn da. Cà phê có caffein, không trực tiếp gây ra mụn trứng cá, nhưng dễ làm tăng căng thẳng và nồng độ cortisol nếu bạn uống quá nhiều. Mức cortisol cao hơn góp phần làm tăng sản xuất dầu, gây ra mụn.
Ngoài ra, hấp thụ quá nhiều đường cũng làm tăng lượng đường trong máu và mức insulin, dẫn tới dư thừa bã nhờn.
An Yên(Theo Cleaneatingmag)
Rối loạn ý thức, suýt tử vong vì trị mụn ở lưngNữ bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc nặng (huyết áp không đo được), giảm oxy máu, nhiễm toan chuyển hoá nặng, lơ mơ…">